Trợ giúp Xuất khẩu lao động Việt Nam

Chính phủ Việt Nam

Nhằm giải quyết những mặt khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu lao động, tháng 9 năm 1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 41/CT-TƯ về xuất khẩu lao động và chuyên gia. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không bắt người lao động phải ký quỹ quá nhiều. Năm 2008, Chính phủ phê duyệt dự án "Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015", kết hợp các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động diện chính sách về phí đào tạo, ăn ở, đi lại, thủ tục làm việc ở nước ngoài cùng các chính sách tín dụng ưu đãi.[4]

Năm 2009, Chính phủ tiếp tục thông qua dự án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020", triển khai tại 62 huyện nghèo trong nước.[39]

Năm 2010, tổng số lao động được vay vốn xuất khẩu lao động là gần 82.000 người với tổng số vốn cho vay đạt gần 1.700 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến 2010, cơ quan chuyên ngành đã tiếp nhận, xử lý 1.184 khiếu nại của người lao động; thanh tra và xử lý vi phạm hành chính 119 lượt doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp.[2]

Chính phủ nước ngoài

Chính quyền Hoa Kỳ có một số trợ giúp đối với người lao động xuất khẩu Việt Nam bị lừa đảo.

Năm 2001, tại đảo Samoa, thuộc địa của Hoa Kỳ, dưới sự kêu gọi của số tổ chức cộng đồng người Việt hải ngoại, chính quyền Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra một công ty Hàn Quốc[40] và tuyên án chủ tịch công ty 40 năm tù về tội buôn người.[41] Số lao động xuất khẩu Việt Nam làm việc cho công ty này thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi, bỏ đói và không được trả lương[42] vào khoảng 250 người, đồng thời những công nhân ở lại được giúp đỡ định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. Ngày 2 tháng 12 năm 2004, chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ 155.000 USD cho Tổ chức Quốc tế về Di dân (IOM) nhằm giúp công tác chống nạn buôn người và hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân Việt Nam còn ở lại.[40] Những người trở về nước được đền bù số tiền rất thấp.[43]

Năm 2011, hai công ty quốc doanh Việt Nam gồm Interserco và Vinamotors, có trụ sở tại Hà Nội, cùng hai công ty Mỹ bị người lao động xuất khẩu khởi kiện lên tòa án tại Texas, Hoa Kỳ vì tội buôn người và cưỡng ép lao động. Tờ báo The Houston Chronicle cho biết, tòa án quận Harris bang Texas đã ra phán quyết yêu cầu hai bên công ty mội giới bồi thường tổng cộng là 60 triệu đôla cùng một số điều khoản đi kèm khác cho các nạn nhân.[44][45]

Tổ chức phi chính phủ

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở châu Á (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia - CAMSA) là một mạng lưới phối hợp hoạt động của các tổ chức có cùng mục đích chống nạn buôn người ở châu Á và khắp nơi trên thế giới, cũng đã giúp nhiều công nhân Việt Nam tại Mã Lai.[46]

Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng thành lập Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan ở thành phố Đào Viên vào năm 2004 để trợ giúp người Việt sống và làm việc tại Đài Loan, ông đã là người chỉ trích sự bóc lột và nhục mạ người lao động và cô dâu nước ngoài, từ năm 2004 đến 2006 đã giúp đỡ hơn 2000 người Việt thoát lao động đày ải và lạm dụng tình dục, khiến cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Đài Loan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm về nạn buôn người, và ông được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công nhận là "anh hùng đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại",[47] cũng nhờ thế Đài Loan đã phần nào thay đổi chinh sách đối với người nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xuất khẩu lao động Việt Nam http://apps.chron.com/disp/story.mpl/metropolitan/... http://www.rfavietnam.com/node/1106 http://www.state.gov/g/tip/rls/tiprpt/2006/67020.h... http://vietnam.iom.int/sites/default/files/IOM_Fil... http://tamnhin.net/Phapluat/9527/Nhung--van-de-bat... http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2010/12/3ba245df... http://vnexpress.net/gl/viec-lam/2008/12/3ba099aa/ http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2001/04/3b9aff26/ http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/11/nguoi-phu-n... http://web.archive.org/web/20050129040712/http://w...